“Với hàng loạt khuyết điểm nặng mắc phải, các game thủ nên dành tiền để rinh về phiên bản PS3 và Xbox 360 của Army of Two: The 40th Day thay vì bản game dành cho máy cầm tay PSP!”
  
>> THÔNG TIN VỀ GAME



Tên game:

Army of Two: The 40th day



Phát triển:

Buzz Monkey Software / EA Montreal



Phát hành:

Electronic Arts



Ngày phát hành:

12/01/2010



Thể loại:

Hành động



ESRB(Tuổi):

Mature



Hệ máy:

PSP



ESRB(Nội dung):

• Máu; Ngôn từ bất kính; Bạo lực

  Ưu điểm: • Giọng lồng tiếng của các nhân vật đầy truyền cảm. 


Khuyến điểm:

• Không có phần chơi phối hợp.
• Nhiều tính năng sáng giá bị lược bỏ.
• Trí thông minh của máy nghèo nàn..
 
Việc chuyển thể một tựa game gốc từ các máy chơi game chuyên dụng (console) hoặc PC sang các máy chơi game cầm tay (handheld console) đặt ra rất nhiều thử thách, khó khăn cho các hãng game bởi cấu hình hạn chế của các hệ máy này. Tuy nhiên, với mục đích tận thu được các sản phẩm làm ra từ cùng một thương hiệu; thỏa mãn được lượng game thủ sở hữu các hệ máy này đồng thời thúc đẩy lượng máy bán ra (theo thỏa thuận giữa hãng phát triển game với các hãng sản xuất máy chơi game) nhiều tựa game lớn vẫn được lên lịch và đổ bộ trên các máy chơi game cầm tay mà Army of Two: The 40th Day là một trong những trường hợp điển hình.
Lạc vào chảo lửa
Từng tham chiến tại Somalia năm 1993, sau khi tham gia một số chiến dịch khác, Eliot Salem và Tyson Rios đầu quân cho Security and Strategy Corporation (SSC), một công ty quân sự tư nhân chuyên nhận được những hợp đồng béo bở cho những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm từ chính phủ Mỹ. Với kinh nghiệm chiến đấu cũng như khả năng phối hợp tuyệt vời, Salem và Rios tuy chỉ là biệt đội 2 người nhưng có sức mạnh như cả một toán quân nhỏ. Sau khi vạch trần bộ mặt thật của tay đồng nghiệp đầy dã tâm Richard Dalton, bộ đôi quyết định thành lập một công ty quân sự tư nhân riêng do mình là chủ với tên gọi Trans World Operations (T.W.O.). Sau khi hoàn thành một hợp đồng tại Thượng Hải, trên đường về nhà, cả hai lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi một nhóm quân khủng bố đã bất ngờ ập đến chiếm đóng nơi đây và bắt dân thường làm con tin…
Cách chơi nhiều bất cập
Không bàn đến việc so sánh với phiên bản PS3 và Xbox 360 cũng ra mắt cùng thời điểm. Bởi chỉ cần so sánh với phiên bản đầu tiên ra mắt cách đây hai năm, bản game PSP của The 40th Day (T40D) cũng tồn tại quá nhiều điểm bất cập và thụt lùi. 
Phải kể đến đầu tiên chính là góc nhìn game bị thay đổi thay đổi hoàn toàn. Thay vì ngang vai tương tự như Gears of War thì góc quay giờ đây được bố trí từ trên nhìn xuống tương tự game Killzone: Liberation. Cách sắp đặt này làm người chơi khó quan sát mọi sự kiện diễn ra trong game chẳng hạn như hướng mà đối phương xuất hiện. Đó là còn chưa kể chiến trường rộng lớn trước đây giờ lại bị thu hẹp trên màn hình nhỏ của PSP kèm theo vô số cạm bẫy như mìn được chôn dưới đất, máy bay oach tạc từ trên không, quân số đối phương bao giờ cũng áp đảo và trang bị tối tân hơn phe ta nên đủ thấy việc xoay trở và chiến đấu bằng góc nhìn này đặt ra rất nhiều thách thức và thậm chí có thể khiến nhiều game thủ không quen dễ “nổi cáu”. 
Vốn là một trong những gương mặt điển hình cho game hành động phối hợp (co-op) tuy nhiên điều khó chấp nhận là ở phiên bản PSP này các game thủ buộc phải tạm quên việc chia sẻ chức năng phối hợp hấp dẫn này cùng bạn bè mà phải tập làm quen với đồng đội máy. Đành rằng máy sẽ có tư duy chiến thuật và cách xử lý khó có thể bằng con người tuy nhiên trí thông minh quá nghèo nàn của đồng đội máy trong T40D lại khiến người chơi phải đối mặt với nhiều rắc rối mới. Chẳng hạn như khi cần bắn yểm trợ thì anh chàng này (đồng đội do máy điều khiển) lại đứng phỗng như trời trồng. Lúc đang đợi thời cơ tốt để đánh úp khiến quân đối phương bất ngờ thì anh chàng này lại lăng xăng chạy thẳng vào nơi đèn quan sát đang rọi để báo động cho đối phương. Mặt khác, anh ta chẳng mảy may cứu giúp những con tin vô tội để nhận thêm tiền thưởng (có lẽ ỷ y rằng mình được trang bị vũ khí mới mà không cần bỏ tiền túi ra như bạn) hay gom nhặt các vật dụng để hồi phục sức khỏe mặc dù đang ở tình trạng nguy cập. Ngay cả khi cứu chữa cho bạn khi trọng thương anh chàng này cũng chả mảy may suy nghĩ xung quanh có đối phương rình rập hay không. Chính vì vậy dù mang tiếng là có đồng đội kề bên, sát cánh nhưng hình như đây là gánh nặng mà các game thủ phải “cắn răng” chịu đựng.
May mắn thay trí thông minh của các đối thủ máy cũng chẳng hơn gì so với đồng đội của bạn. Bởi lẽ ngoài số lượng áp đảo, chúng thường xuyên mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn như phơi mình chịu đòn chứ ít khi để tâm đến việc sử dụng các vật cản bố trí trên đường để tránh đạn. Các màn đụng độ trùm như xe tăng bọc thép, xe quân sự chuyên chở lính, máy bay trực thăng…chỉ làm bạn tốn thêm chút ít thời gian để giải quyết bởi lẽ ngoài lượng máu “dai” cách đối phó với chúng lại cực kỳ đơn giản. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến nhiều tính năng độc đáo ở phiên bản console cũng vắng bóng hoặc hoạt động không mấy hiệu quả trên bản chơi này. Điển hình là các tính năng hút hỏa lực (aggro); giả vờ chết (feign death); tựa lưng chiến đấu (back to back) . 
Sau mỗi màn chơi, các game thủ sẽ được nâng cấp những vũ khí mà mình đang hiện có dựa vào lượng tiền thưởng kiếm được.Tuy nhiên, nếu từng yêu thích việc sở hữu một cây súng tỉa để “rỉa” đối phương từ xa hay dùng lựu đạn để dẹp gọn những tốp địch đông đảo chắc hẳn bạn sẽ thất vọng tràn trề vì chúng nằm trong danh sách đã được lược bỏ trong bản game PSP. Mất đi quá nhiều tính năng hấp dẫn, độc đáo so với phiên bản console đã khiến bản game PSP của T40D trở thành một game bắn súng theo phong cách bắn và chạy tầm thường. Cảm giác phấn chấn, vui mừng mỗi khi cùng đồng đội vất vả vượt qua một cảnh chơi khó nhằn trong game giờ đây cũng không còn nhiều như trước.
Nghe nhìn vừa đủ
Chất lượng hình ảnh của T40D trên PSP dừng ở mức đạt. Cảnh nền và các hiệu ứng cháy nổ, bom giật tuy không hoành tráng như bản console nhưng phần nào gột tả được mức độ khốc liệt, nguy hiểm của các pha hành động trong game. Nhưng khâu thiết kế và diễn hoạt của các nhân vật còn khá thô cứng và còn gượng gạo. Trong khi đó âm lồng tiếng lại được thể hiện khá tự nhiên, truyền cảm và bám rất sát diễn biến tâm lý của các nhân vật. Đây là điểm sáng giá nhất nếu mổ xẻ phiên bản này từ mọi góc độ. 
Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Có lẽ bạn nên dành thời gian và tiền bạc cho phiên bản T40D trên Xbox 360 hay PS3 bởi nó xứng đáng hơn rất nhiều so với bản game trên PSP vốn có quá nhiều khuyết điểm phải bàn. 

0 bình luận:

Đăng nhận xét

 
game full © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top