>> THÔNG TIN VỀ GAME



Tên game:

Silent Hill: Shattered Memories



Phát triển:

Climax Studio



Phát hành:

Konami



Ngày phát hành:

09/09/2009



Thể loại:

Phiêu lưu kinh dị



ESRB(Tuổi):

Mature



ESRB(Nội dung):

• Máu, Gợi ý Thuốc cấm, Ngôn từ Bất kính, Chủ đề Tình dục, Bạo lực



Hệ máy:

Wii



Ưu điểm:

• Làm mới gần như hoàn toàn phiên bản Silent Hill đầu tiên.
• Lối chơi tích hợp cảm ứng đầy thú vị.
• Không khí kinh dị đặc sắc mang đậm tính tâm linh.
• Đồ họa và âm thanh rất tốt.



Khuyến điểm:

• Thời lượng game khá ngắn.
• Đôi lúc tính năng cảm ứng hơi nhạy gây mất điều khiển.
 
Silent Hill là dòng game hành động phiêu lưu kinh dị được hãng Konami cho ra đời như một câu trả lời với đối thủ Capcom với dòng game kinh điển Resident Evil. Tuy chưa bao giờ đạt đến tầm như Resident Evil, nhưng Silent Hill cũng đã gặt hái được những thành công nhất định với phong cách kinh dị xoáy sâu vào các khía cạnh tâm linh. Thế nhưng, càng đến các phiên bản sau này, dòng game càng tỏ ra “đuối sức” và xa rời với phong cách đặc trưng của mình, điển hình là phiên bản Silent Hill: Home coming năm 2008 không được các game thủ đánh giá cao.
Không chịu bỏ cuộc trước những khó khăn, Konami lại tiếp tục cho ra đời một phiên bản Silent Hill mới. Phiên bản này mang tên Silent Hill: Shattered Memories và có lối chơi hoàn toàn mới lạ. Tuy game cũng có các phiên bản PS2 và PSP nhưng đây chỉ là những bản “phát hành cho có”, và Shattered Memories gần như là game chỉ dành riêng cho hệ máy Wii với cách chơi cảm ứng đặc trưng.
Làm lại nhưng đổi mới 
Nói Silent Hill: Shattered Memories (SHSM) là một phiên bản mới trong dòng game Silent Hill là không hẳn đúng 100%. Thực chất, đây là phần làm lại từ phiên bản Silent Hill đầu tiên (SH1) xuất hiện trên PS1 từ năm 1999. Câu chuyện chính của game tuân thủ với nguyên bản khi kể về nhân vật Harry Mason bổng nhiên lạc mất đứa con gái nhỏ Cheryl của mình sau một tai nạn xe hơi. Để tìm lại con gái, Harry đã dấn thân vào một thị trấn bí ẩn mang tên Silent Hill để rồi mắc kẹt tại địa danh rùng rợn đầy rẫy những cơn ác mộng ma quái này.
Dù là phiên bản làm lại, nhưng điểm tương đồng giữa SHSM và SH1 chỉ có bấy nhiêu. Còn lại từ những tình tiết trong game, cách dẫn dắt cốt truyện và đặc biệt là lối chơi, cách điều khiển, đồ họa, âm thanh là hoàn toàn khác biệt, không “ăn nhập” tí gì với nhau. Gọi SHSM là một phiên bản làm lại nhưng không hẳn 100% là vì thế.
Điểm đầu tiên tạo nên nét mới lạ của SHSM là cách dẫn dắt câu chuyện của game. Trò chơi mở đầu bằng một buổi gặp gỡ giữa Harry và một vị bác sĩ tâm lý, khi ông ta lắng nghe toàn bộ câu chuyện của Harry lúc lạc vào Silent Hill. Các phân đoạn trò chuyện này sẽ xuất hiện xen kẽ với các sự kiện mà Harry đã trải qua tại Silent Hill, mỗi khi một tình tiết quan trọng xảy ra. Không chỉ đóng vai trò dẫn chuyện, các phân cảnh này còn đóng vai trò rất quan trọng trong lối chơi của game. Vị bác sĩ không chỉ ngồi lắng nghe, mà ông ta còn bắt bạn phải trả lời hàng loạt câu hỏi về tâm lý, thực hiện những trắc nghiệm hay những trò chơi nho nhỏ chẳng hạn như tô màu một bức tranh trắng đen. Tùy theo bạn chọn đáp án nào, trả lời câu hỏi ra sao hay tô tranh màu gì, mà các diễn biến trong game sẽ thay đổi, từ đó dẫn đến những kết thúc game rất khác nhau. Ai đã quen thuộc với dòng game Silent Hill cũng đều biết dòng game này thường có nhiều kết thúc, bị kịch có mà… hài hước ngớ ngẩn cũng có, SHSM cũng không ngoại lệ.
Lối chơi dựa vào cảm ứng
Lối chơi trong SHSM không chỉ khác xa với SH1 mà cũng chẳng giống bất kỳ phiên bản SH nào trước đó. Game vẫn sử dụng đồ họa 3D và bạn điều khiển Harry với góc nhìn ngôi thứ 3. Trong game, camera bám sát ngay sau lưng Harry và có chức năng phóng to sang góc nhìn ngang vai khi bạn muốn kiểm tra cận cảnh vật thể nào đó. Nói vậy, bạn đã hình dung được góc nhìn trong game rất giống Resident Evil 4 và 5. Tuy nhiên, dù mang góc nhìn đặc trưng của một game hành động bắn súng như vậy, nhưng “vũ khí” duy nhất của Harry trong game chỉ là một… cây đèn pin, vật dụng gần như “bất ly thân” với tất cả các nhân vật chính trong dòng game Silent Hill từ xưa đến nay.
Để điều khiển chiếc đèn pin, bạn phải “dựa dẫm” hoàn toàn vào tính năng cảm ứng của Wii Remote. Hướng tay cầm đến đến đâu, ánh đèn cũng lia đến đấy, cũng như điều khiển hướng quay của nhân vật. Điều này đã mang lại tính chân thật rất cao cho game, khiến bạn cảm thấy mình như đang hóa thân và hành động thực sự như nhân vật. Bên cạnh đó, tính năng cảm ứng còn được ứng dụng trong các phân đoạn giải đố, khi bạn cầm nắm xoay chuyển các đồ vật (chẳng hạn như rút then cài cửa, hay dốc ngược một lon bia để tìm chiếc chìa khóa được giấu trong đó…). Công bằng mà nói, các câu đố trong SHSM khá dễ so với nguyên bản SH1, nhưng nhờ tính năng cảm ứng, người chơi vẫn cảm nhận được trọn vẹn sự hấp dẫn khi thực hiện chúng. Duy chỉ có điều cứ phải giữ tay chĩa thẳng vào màn hình như vậy, có thể sẽ khiến bạn hơi khó chịu và mỏi tay nếu chơi lâu. Ngoài ra, đôi lúc con trỏ trên màn hình hoạt động hơi nhạy, di chuyển mạnh một tí là trật khỏi màn hình ngay, nên có thể khiến bạn mất điều khiển trong giây lát.
Bên cạnh đèn pin, Harry còn có một vật dụng đắc lực nữa là chiếc điện thoại di động khá hiện đại (thứ mà anh chàng Harry “cổ điển” trong SH1 không hề có). Chiếc điện thoại này đóng vai trò như một thiết bị quản lý nho nhỏ, khi giúp bạn lưu game, xem bản đồ thị trấn (rất cần thiết để tìm đường đi), cùng những chức năng quen thuộc khác như nghe gọi, nhận tin nhắn (diễn ra khá thường xuyên trong game). Ngoài ra, chiếc điện thoại này còn tích hợp một camera. Bạn có thể chụp hình tùy thích bất cứ đâu, nhưng nếu chụp đúng nơi đúng chỗ, chiếc điện thoại sẽ hiển thị những hình ảnh ma quái, ghê rợn mà mắt thường không thể nhìn thấy (hơi giống loạt game Fatal Frame của hãng Tecmo). Không chỉ vậy, trong game bạn còn tìm thấy những đoạn hồi ức bí ẩn vang lên từ quá khứ, khi bước vào những khu vực đột nhiên có những tín hiệu nhiễu sóng lạ. Những yếu tố này không chỉ đóng vai trò các bí mật làm cho lối chơi game thêm phong phú và thử thách khả năng tìm tòi quan sát của người chơi, mà còn “tham gia rất tích cực” vào việc hé lộ câu chuyện game cũng như tạo cảm giác rùng rợn, kinh dị. Chưa hết, trong game bạn còn có thể thu thập những vật phẩm ẩn rải rác gọi là Memento, những vật phẩm này thực sự không có tác dụng gì trong cốt truyện game, mà chỉ là thử thách của game xem người chơi có tinh mắt thu thập được đầy đủ chúng không mà thôi.
Nhân vật không biết chiến đấu
Nãy giờ toàn nói về những khía cạnh phiêu lưu, tìm đường của SHSM, vậy những màn chiến đấu trong game thì thế nào? Có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên nhưng phải nói rằng SHSM không hề có một màn chiến đấu nào cả. Trong quá trình chơi game, bạn sẽ thỉnh thoảng bị lạc vào một thế giới Silent Hill hoàn toàn khác gọi là “ác mộng”. Trong thế giới này, các khung cảnh hoàn toàn biến đổi với những không gian, hình thù rất kỳ dị (tuy nhiên không có những cảnh gớm ghiếc “máu me” như trong các bản SH trước đó). Trong những cơn ác mộng này, Harry phải đối đầu với những con quái vật kinh dị không có mặt. Chúng sẽ truy đuổi và vồ lấy bạn khi phát hiện ra tiếng động và ánh sáng mà bạn gây ra. Khi bị chúng tóm phải, bạn có thể vung tay cầm theo tứ phía để hất chúng ra. Đây đó bạn có thể nhặt được những cây pháo sáng, giúp đẩy lùi tạm thời bọn quái vật. 
Tuy nhiên, bạn sẽ không hề có một vũ khí nào để triệt hạ chúng nên cách duy nhất là bỏ chạy thục mạng. Các cơn ác mộng được thiết kế như những mê cung, và thử thách dành cho bạn là phải tìm được đường thoát ra giữa hàng loạt ngõ ngách càng nhanh càng tốt. Có thể nói, các phân cảnh ác mộng này chính là những cao trào trong game, khi bạn phải vận dụng hết các kỹ năng của mình như quan sát, phán đoán, điều khiển để tự mình tìm đường thoát thân. Tuy là những mê cung khá rắc rối, nhưng cái hay là các cơn ác mộng này không hề đánh đố người chơi, các lối ra như cửa, bờ tường để leo trèo đều được tô sáng khá rõ ràng và chỉ cần tập trung quan sát, phản xạ nhanh nhạy một tí là bạn có thể thoát thân không quá khó khăn. Nếu chẳng may bị bọn quái vật giết chết, và phải bắt đầu lại từ đầu mê cung, bạn cũng đừng quá nản lòng vì càng đi lại nhiều bạn sẽ càng dễ nhớ đường hơn. Hơn nữa những pha căng thẳng này chỉ xuất hiện trong các cơn ác mộng, còn bình thường bên ngoài thị trấn thì bạn có thể yên tâm, chẳng có quái vật nào xuất hiện “hỏi thăm sức khoẻ” cả.
Một game xuất sắc
Có thể nói, những cơn ác mộng cùng việc không có khả năng chống trả của nhân vật, những tình tiết kỳ bí ghê rợn gặp phải trong thị trấn, cùng với những pha “trị liệu tâm lý”, đã khiến SHSM cực kỳ thành công khi đem đến cho người chơi một nỗi sợ hãi đậm chất tâm linh, điều mà các bản SH đầu tiên thể hiện rất thành công nhưng ngày càng nhạt dần ở những phiên bản sau. Hỗ trợ cho lối chơi mới lạ và rất hấp dẫn của game là nền đồ họa rất tốt so với tiêu chuẩn của các game Wii hiện nay, với khung cảnh 3D khá chi tiết và những mô hình, diễn hoạt nhân vật rất sống động. Bên cạnh đó, phần âm thanh và lồng tiếng cũng tỏ ra khá xuất sắc, cùng với nhạc nền được đảm nhiệm bởi “cựu binh từ nào đến giờ” của dòng game là nhạc sĩ Akira Yamaoka, nên gần như chẳng có điểm gì để chê bai.
Quả thật, sự “trình diễn” của SHSM đã mang lại nhiều điều bất ngờ các fan của dòng game. Dù về danh nghĩa chỉ là một bản làm lại, nhưng game đã có những sáng tạo và đổi mới rất triệt để khiến nó gần như là một phiên bản mới hoàn toàn. Từ cốt truyện đến lối chơi của game toát lên một không khí rùng rợn, kinh dị mang màu sắc tâm linh rất đậm nét, có thể khiến bất kỳ ai cũng có thể rùng mình toát mồ hôi hột. Thêm vào đó là nền đồ họa và âm thanh đặc sắc đã tạo nên một trò chơi hấp dẫn mọi mặt. Tuy nhiên, rất tiếc phải nói là thời lượng game khá ngắn, khi bạn chỉ mất chừng 5 đến 7 tiếng là có thể hoàn thành game. Dù gì đi nữa, bạn hoàn toàn có thể chơi lại game nhiều lần, vì như đã nói, SHSM có rất nhiều kết thúc khác nhau chờ bạn từ từ khám phá đấy. 

0 bình luận:

Đăng nhận xét

 
game full © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top